Thửa đất là gì? Là thuật ngữ mà chúng ta hay sử dụng trong đời sống hàng ngày. Thế nhưng bạn đã biết rõ thửa đất pháp luật quy định như thế nào? Thông tin về thửa đất trên Sổ được thể hiện ra sao? Mã QR trên mẫu Sổ đỏ mới có nội dung gì về thửa đất? Bài viết dưới đây của Luật Trung Tín sẽ giải đáp các thắc mắc trên cụ thể.
Cơ sở pháp lý
- Luật Đất đai 2024
- Luật Đất đai 2013
- Thông tư 10/2024/TT-BTNMT
- Thông tư 01/2021/TT-BXD
- Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác.
Thửa đất là gì?
Thửa đất là gì? Theo khoản 42 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định: “Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới mô tả trên hồ sơ địa chính hoặc được xác định trên thực địa”.
Như vậy, khái niệm về thửa đất theo quy định hiện hành so với trước đây không có nhiều thay đổi. Chỉ khác ở chỗ Luật hiện tại nêu rõ hồ sơ nhắc đến là hồ sơ địa chính.
Khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: “Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ”.
Thông tin về thửa đất được ghi như thế nào?
Thông tin về thửa đất trên Sổ đỏ được mô tả một cách rõ ràng và chi tiết. Cụ thể tại Điều 8, 9 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT thì các thông tin đó bao gồm:
Số hiệu thửa đất
Gồm số tờ bản đồ và số thửa đất. Trong đó, số tờ bản đồ là số thứ tự của tờ bản đồ địa chính. Hoặc số hiệu mảnh trích đo bản đồ địa chính. Còn số thửa là số thứ tự của thửa đất trên mỗi tờ bản đồ địa chính. Hoặc số hiệu của thửa đất theo trích đo bản đồ địa chính.
Diện tích thửa đất
Phần này được xác định theo mét vuông, làm tròn đến một chữ số thập phân. Nếu thuộc nhiều xã thì trong đó phải ghi rõ bao nhiêu diện tích thuộc xã nào. Nếu có nhà chung cư thì thể hiện diện tích xây dựng nhà chung cư.
Loại đất
Thông tin gồm tên loại đất và ký hiệu của loại đất đó. Trong đó, loại đất trong các nhóm đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, chưa sử dụng đến…
Nếu thửa đất có nhiều loại đất thì ghi lần lượt từng loại đất và diện tích kèm theo.
Ví dụ: Đất ở tại nông thôn 50m2, đất trồng cây lâu năm 200m2…
Thời hạn sử dụng đất
Tùy theo từng trường hợp:
- Với trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì ghi theo Quyết định giao đất. Sổ đỏ sẽ có hai loại thời hạn là sử dụng đất lâu dài, sẽ được ghi là “lâu dài”. Có thời hạn thì sẽ ghi thông tin ngày tháng năm hết hạn sử dụng đất.
- Với trường hợp còn lại thì cũng tương tự như hai cách ghi trên. Lâu dài hoặc ngày tháng năm hết hạn sử dụng đất nếu sử dụng đất có thời hạn. Trừ trường hợp công nhận quyền sử dụng đất thì thể hiện thông tin “… năm” kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận.
- Với trường hợp sử dụng đất khi có nhiều loại đất có thời hạn sử dụng khác nhau: Ghi theo thời hạn trong văn bản giao đất. Nếu không có thì ghi “chưa xác định”.
Hình thức sử dụng đất
Có sử dụng đất chung và hình thức sử dụng đất riêng. Trong đó:
Hình thức sử dụng đất chung: Áp dụng với trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng đất chung của từ hai người sử dụng đất trở lên. Ví dụ như nhiều cá nhân/tổ chức/của vợ và chồng/của các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Hình thức sử dụng đất riêng: Là hình thức sử dụng đất của một người sử dụng đất: Một cá nhân/tổ chức/cộng đồng dân cư, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài…
Trường hợp thửa đất có cả hình thức sử dụng chung và riêng thì phần diện tích sử dụng riêng của từng người được thể hiện “… m2 sử dụng chung, … m2 sử dụng riêng”.
Trường hợp thửa đất có nhiều loại đất với hình thức sử dụng chung riêng khác nhau: Lần lượt ghi hình thức sử dụng riêng, chung với từng loại đất và diện tích đất. Ví dụ: Sử dụng riêng: Đất ở 200m2, đất trồng cây lâu năm 200m2..
Thông tin thửa đất
Gồm số nhà, tên đường/phố (nếu có), thôn, xốm…. Hoặc khu vực, xứ đồng, đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có thửa đất.
Thông tin về nghĩa vụ tài chính
Đã thực hiện nghĩa vụ tài chính thì ghi rõ loại nghĩa vụ, số tiền phải nộp, đã nộp và ngày tháng năm nộp. Nếu Nhà nước cho thuê đất thì ghi nộp tiền thuê đất hằng năm/một lần…
Thông tin ranh giới thửa đất
Hình dạng, kích thước các cạnh, tọa độ của đỉnh thửa.
Nguồn gốc sử dụng đất
Trả tiền sử dụng đất, thuê đất, Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất… Với mỗi nguồn gốc khác nhau thì ghi tương ứng.
Ví dụ: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần…
Thông tin hạn chế quyền sử dụng đất
Được áp dụng với các trường hợp: Thửa đất/một phần thửa đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn. Hoặc trong quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất có hạn chế quyền sử dụng đất như không được chuyển nhượng, góp vốn, tặng cho, thế chấp…
Thông tin về quyền đối với thửa đất liền kề
Ví dụ được hưởng quyền với thửa đất liền kề… và phải thể hiện vị trí, diện tích được cung cấp quyền trên bản đồ địa chính, mảnh trích đo bản đồ địa chính, sơ đồ thửa đất…
Như vậy, các thông tin về thửa đất trên Sổ đỏ được thể hiện đầy đủ. Về cơ bản các nội dung ghi vẫn tiếp tục kế thừa các quy định của trước đây.
Trong mã QR của Sổ đỏ có thông tin nào về thửa đất?
Hiện nay, mẫu Sổ đỏ mới sẽ có in thêm mã QR ở góc trên cùng bên phải trang 1. Vì thế, trong mã này cũng có các thông tin về thửa đất. Theo khoản 7 Điều 33 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT thì các thông tin dưới đây được lưu trữ trong QR:
- Thửa đất, tờ bản đồ.
- Diện tích thửa đất
- Loại đất: Đất ở, đất trồng cây lâu năm…
- Thời hạn sử dụng đất: Lâu dài hoặc có thời hạn
- Hình thức sử dụng đất: Sử dụng chung hoặc sử dụng riêng
- Địa chỉ thửa đất
- Các thông tin khác về thửa đất…
Sổ đỏ không có sơ đồ thửa đất?
Thực tế chúng ta sẽ bắt gặp một số loại Sổ đỏ không hề có sơ đồ thửa đất. Vậy tại sao không có sơ đồ thửa đất?
Các trường hợp thường gặp
Theo điểm b khoản 1 Điều 39 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT, Sổ đỏ không có sơ đồ thửa đất có thể là các trường hợp:
- Cấp Sổ cho nhiều thửa đất nông nghiệp
- Cấp cho công ty nông, lâm nghiệp trừ trường hợp sử dụng để xây dựng trụ sở công ty
- Cấp cho toàn bộ diện tích đất thực hiện dự án bất động sản
- Đối tượng địa lý hình tuyến như đường giao thông, đường dẫn điện… của tổ chức đầu tư xây dựng theo hình thức BOT
Theo quy định thì đối với các trường hợp trên không bắt buộc phải có sơ đồ thửa đất. Do đó nếu thấy Sổ đỏ không có sơ đồ thuộc trường hợp trên thì không cần lo lắng. Bởi vì Sổ đỏ vẫn có giá trị pháp lý như bình thường theo quy định pháp luật.
Nguyên nhân
Sổ đỏ không có sơ đồ thửa đất có thể là pháp luật không bắt buộc. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp xuất phát từ lỗi của cơ quan có thẩm quyền. Hoặc thiếu thông tin về tài sản.
Phương án xử lý
Để cập nhật thêm thông tin sơ đồ thửa đất trên Sổ đỏ, chủ sử dụng đất có thể thực hiện thủ tục cấp đổi Sổ. Đồng thời đo đạc lại thửa đất để thể hiện sơ đồ, kích thước thửa đất chính xác.
Phân biệt thửa đất và lô đất
Bên cạnh thửa đất cũng có khái niệm “lô đất” mà mọi người hay nhầm lẫn. Dưới đây là một số tiêu chí để phân biệt thửa đất và lô đất.
Tiêu chí |
Thửa đất |
Lô đất |
Khái niệm |
Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới mô tả trên hồ sơ địa chính hoặc được xác định trên thực địa (khoản 42 Điều 3 Luật Đất đai 2024) |
Lô đất bao gồm một hoặc nhiều thửa đất liền kề có chức năng sử dụng đất giống nhau được giới hạn bởi các tuyến đường giao thông, các đường ranh giới tự nhiên hoặc nhân tạo khác (theo Thông tư 01/2021/TT-BXD) Như vậy lô đất có phạm trù rộng hơn và bao hàm các thửa đất. |
Pháp luật điều chỉnh |
Pháp luật đất đai |
Pháp luật xây dựng |
Số lượng thửa đất |
Một thửa đất |
Một hoặc nhiều thửa đất |
Căn cứ xác định |
Xác định bằng ranh giới trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ |
Xác định bằng các tuyến đường giao thông, đường ranh giới tự nhiên hoặc nhân tạo khác |
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi về vấn đề thửa đất là gì để bạn đọc tham khảo. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ ngay với Trung Tín theo hotline: 0989 232 568 hoặc email: luattrungtin@gmail.com hoặc truy cập ngay website: https://luattrungtin.com/ để được hỗ trợ nhanh nhất.