Tặng cho đất bằng miệng có được không? Hiện nay, do sự tin tưởng nên ông bà thường hay tặng cho đất con cái nhưng chỉ nói miệng, không lập hợp đồng. Vậy hợp đồng tặng cho đất bằng miệng có vô hiệu không? Trường hợp nào tặng cho bằng miệng vẫn có giá trị pháp lý? Bài viết dưới đây của Luật Trung Tín sẽ giải đáp toàn bộ các thắc mắc liên quan đến hình thức tặng cho đất bằng miệng.
Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Dân sự 2015
- Luật Đất đai 2024
- Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác.
Hợp đồng có hiệu lực khi nào?
Tặng cho đất bằng miệng có được không là câu hỏi của rất nhiều người. Trước tiên cần xác định các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.
Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”.
Như vậy, hình thức hợp đồng cũng là một trong các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực. Nếu như pháp luật quy định hình thức thì hợp đồng đó phải tuân theo. Nếu không thì hợp đồng bị vô hiệu.
Ví dụ như hợp đồng phải công chứng mà không công chứng thì hợp đồng chưa có hiệu lực.
Tặng cho đất bằng miệng có được không?
Hình thức hợp đồng theo Bộ luật Dân sự
Tặng cho đất bằng miệng có được không? Theo Điều 500 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật Đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất.
Mà khoản 1 Điều 502 Bộ luật này quy định: “Hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.”.
Hình thức hợp đồng theo Luật Đất đai
Mặt khác, tại điểm a khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 cũng quy định rõ: Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản.
Như vậy, hình thức tặng cho đất bằng miệng là không phù hợp. Hợp đồng tặng cho nhà đất phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Nếu không bị coi là không có đủ điều kiện để hợp đồng có hiệu lực. Do vi phạm về hình thức của hợp đồng.
Trường hợp nào tặng cho đất bằng miệng hợp pháp?
Tặng đất bằng miệng hợp pháp trong một số trường hợp. Quy định này nhằm thể hiện tính chất nhân đạo. Đồng thời xuất phát từ ý chí tự nguyện, không có tranh chấp. Và người nhận tặng cho thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Thì khi có tranh chấp xảy ra người nhận tặng cho vẫn được pháp luật bảo vệ.
Vậy tặng cho đất bằng miệng khi nào coi là hợp pháp?
Nội dung án lệ
Tại nội dung khái quát của Án lệ số 03/2016/AL về ly hôn nêu:
“Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng, nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất”.
Theo nội dung của Án lệ này thì cha mẹ tặng đất cho con bằng lời nói có thể vẫn có hiệu lực. Mà không bắt buộc công chứng hoặc chứng thực hợp đồng.
Cách thức áp dụng án lệ
Việc áp dụng án lệ trên thực tế phải tuân thủ quy định áp dụng án lệ trong xét xử tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP như sau:
“Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án”.
Từ những phân tích trên, một hợp đồng tặng cho đất bằng miệng chỉ hợp pháp khi:
- Người nhận tặng cho đã xây nhà kiên cố.
- Người tặng cho hoặc những người khác trong gia đình không có sự phản đối tại thời điểm xây nhà.
- Việc sử dụng nhà đất công khai, liên tục, ổn định.
- Đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp Giấy chứng nhận.
Lưu ý khi tặng cho đất bằng miệng
Mặc dù trong một số trường hợp pháp luật chấp nhận việc tặng cho bằng miệng. Tuy nhiên thực tế số này rất ít.
Không phải vụ việc nào cũng áp dụng được Án lệ trên để giải quyết. Án lệ trên chủ yếu áp dụng đối vụ việc phát sinh trước ngày 01/7/2014. Vì để sang tên và ra Giấy chứng nhận mới từ ngày 01/7/2014 đến nay phải có hợp đồng được công chứng hoặc chứng thực.
Khi bố mẹ muốn tặng đất cho con thì nên công chứng hợp đồng tặng cho. Việc công chứng có thể thực hiện tại các Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng.
Thủ tục tặng cho đất tại Văn phòng công chứng
Căn cứ Điều 40, 41 Luật Công chứng 2014, thủ tục công chứng được tiến hành như sau:
Hồ sơ công chứng hợp đồng tặng cho đất
Để tặng cho đất, các bên phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ sau đây:
Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu của tổ chức hành nghề công chứng.
Dự thảo hợp đồng tặng cho nhà, đất (nếu các bên đã thoả thuận hoàn tất các nội dung và lập dự thảo theo thoả thuận).
Bản sao giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu của hai bên.
Bản sao Giấy chứng nhận (gọi tắt là sổ đỏ hoặc sổ hồng).
Bản sao giấy tờ khác: Giấy tờ chứng minh nguồn gốc tài sản riêng: Di chúc, văn bản khai nhận, thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, Hợp đồng tặng cho, Văn bản cam kết về tài sản, Văn bản thỏa thuận chia tài sản chung… Giấy tờ về nơi cư trú.
Trình tự thực hiện
Bước 1: Người có yêu cầu công chứng nộp hồ sơ yêu cầu công chứng tại một trong các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh nơi có đất.
Bước 2: Công chứng viên trực tiếp tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ của người yêu cầu công chứng.
Nếu người yêu cầu công chứng đã tự soạn thảo Hợp đồng thì nộp văn bản đó cho Công chứng viên. Công chứng viên sẽ kiểm tra tính chính xác và hợp pháp của văn bản.
Nếu văn bản đạt yêu cầu thì Công chứng viên sẽ hướng dẫn các bên ký. Trường hợp văn bản không đạt yêu cầu, công chứng viên sẽ bổ sung, sửa đổi. Khi đạt yêu cầu, công chứng viên sẽ hẹn thời gian ký văn bản.
Trường hợp người yêu cầu công chứng chưa soạn thảo văn bản, Công chứng viên soạn thảo văn bản và hẹn thời gian ký.
Bước 3: Công chứng viên giải thích quyền, nghĩa vụ và hậu quả pháp lý của các bên.
Bước 4: Nếu người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong hợp đồng. Công chứng viên kiểm tra năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng. Hướng dẫn các bên tham gia Hợp đồng ký, điểm chỉ vào các bản Hợp đồng trước mặt Công chứng viên.
Bước 5: Công chứng viên chuyển Chuyên viên pháp lý soạn thảo lời chứng. Công chứng viên thực hiện ký nhận vào Hợp đồng và lời chứng.
Bước 6: Công chứng viên chuyển hồ sơ cho bộ phận văn thư đóng dấu. Lấy số công chứng, thu phí, thù lao công chứng, chi phí khác theo quy định. Trả hồ sơ và lưu trữ hồ sơ công chứng.
Thời hạn thực hiện
Thời hạn thực hiện việc công chứng là 02 ngày làm việc. Nếu hợp đồng công chứng này có nội dung phức tạp, thời gian có thể kéo dài thêm nhưng không quá 10 ngày.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi về vấn đề tặng cho đất bằng miệng có được không để bạn đọc tham khảo. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ ngay với Trung Tín theo hotline: 0989 232 568 hoặc email: luattrungtin@gmail.com hoặc truy cập ngay website: https://luattrungtin.com/ để được hỗ trợ nhanh nhất.