Đất trồng lúa có thể chấp vay vốn được không? Đây là thắc mắc mà chúng tôi nhận được nhiều nhất. Ở các vùng nông thôn, đất trồng lúa chiếm phần lớn trong các loại đất. Vậy khi người dân có nhu cầu thì có thể vay vốn bằng đất trồng lúa được không? Phải đáp ứng những điều kiện gì? Thủ tục vay vốn ra sao? Bài viết dưới đây của Luật Trung Tín sẽ giải đáp các thắc mắc nêu trên cụ thể.
Cơ sở pháp lý
- Thông tư 39/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 12/2024/TT-NHNN
- Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác.
Đất trồng lúa là đất gì?
Đất trồng lúa có thế chấp vay vốn được không? Theo điểm a khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 thì đất trồng lúa là đất nông nghiệp. Trong các loại đất nông nghiệp thì đất trồng lúa là loại đất chiếm phần nhất.
Khoản 1 Điều 182 Luật Đất đai 2024 quy định: “Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại. Đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên.”.
Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định: “Đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính, đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại.
a) Đất chuyên trồng lúa là đất trồng hai vụ lúa nước trở lên trong năm;
b) Đất trồng lúa còn lại là đất trồng một vụ lúa nước trong năm và đất trồng lúa nương.”.
Đất trồng lúa có thể vay vốn được không?
Đất trồng lúa thế chấp như thế nào? Theo điểm g khoản 1 Điều 37 Luật Đất đai 2024 quy định: “1. Cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
g) Thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật;”
Theo quy định trên thì người sử dụng đất nông nghiệp được phép thế chấp quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất có thể lựa chọn thế chấp tại các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân khác.
Như vậy, đất trồng lúa có thể chấp vay vốn được không? Đất trồng lúa có thể thế chấp để vay vốn. Việc vay vốn cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật ngân hàng.
Thế chấp vay vốn bằng đất trồng lúa cần đáp ứng điều kiện gì?
Thế chấp quyền sử dụng đất là một trong các quyền của người sử dụng đất. Để thực hiện các quyền này thì cũng cần thoả mãn các điều kiện nhất định.
Điều kiện đối với đất trồng lúa thế chấp
Căn cứ khoản 1 và khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định thì vay vốn bằng đất trồng lúa cần có các điều kiện:
- Đất dùng để thế chấp có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư…;
- Đất thế chấp không có tranh chấp hoặc có nhưng đã được giải quyết bằng bản án/quyết định… có hiệu lực pháp luật;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên hoặc sử dụng các biện pháp khác để bảo đảm thi hành án;
- Đất đang trong thời hạn sử dụng.
- Đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
- Không nợ nghĩa vụ tài chính
Về chủ thể và mục đích vay vốn
Theo Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì chủ thể vay vốn cần thoả mãn các nội dung:
- Người vay là cá nhân có độ tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc từ 15 – đủ 18 tuổi và không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Nếu là pháp nhân thì phải có năng lực pháp luật dân sự.
- Vay vốn nhằm mục đích hợp pháp.
- Phương án sử dụng vốn phải khả thi.
- Có khả năng trả nợ…
Như vậy, để vay vốn bằng đất trồng lúa thì bản thân đất trồng lúa phải thoả mãn điều kiện. Đồng thời người vay vốn cũng phải có năng lực dân sự phù hợp. Mục đích vay vốn và các vấn đề liên quan cần khả thi, rõ ràng.
Thủ tục thế chấp vay vốn bằng đất trồng lúa
Hồ sơ đề nghị vay vốn
Theo Điều 9 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 12/2024/TT-NHNN, hồ sơ đề nghị vay thế chấp đất nông nghiệp gồm các giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị vay vốn theo mẫu.
- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn; đăng ký kết hôn/xác nhận tình trạng hôn nhân/quyết định hoặc bản án ly hôn…
- Giấy tờ chứng minh thu nhập hàng tháng của người vay (Giấy xác nhận thu nhập có chữ ký của người sử dụng lao động, sổ tiết kiệm…)
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, biên bản bàn giao…
- Giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn của người vay
- Các loại giấy tờ khác theo yêu cầu của từng ngân hàng.
Trình tự thực hiện
Việc đăng ký thế chấp đất trồng lúa được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Đối với người yêu cầu đăng ký là pháp nhân: Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh;
Đối với người yêu cầu đăng ký là Hộ gia đình, cá nhân: Nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện;
Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi có đất trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nộp hồ sơ trực tiếp Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã.
Theo đó, hồ sơ được nộp theo một trong các phương thức sau đây:
- Qua hệ thống đăng ký trực tuyến;
- Nộp trực tiếp;
- Qua đường bưu điện.
Bước 2: Kiểm tra hồ sơ
Người tiếp nhận kiểm tra hồ sơ đăng ký:
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: Người tiếp nhận từ chối đăng ký và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ: Văn phòng đăng ký đất đai ghi nội dung đăng ký vào Sổ địa chính; Giấy chứng nhận; chứng nhận nội dung đăng ký vào phiếu yêu cầu đăng ký.
Bước 3: Trả kết quả
Kết quả đăng ký được trả tại Văn phòng đăng ký đất đai. Hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã.
Thời hạn giải quyết:
Nếu hồ sơ hợp lệ thì thời hạn giải quyết là trong ngày.
Nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ, thì hoàn thành việc đăng ký và trả kết quả ngay trong ngày làm việc tiếp theo.
Trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ thì cũng không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ.
Như vậy, để thế chấp vay vốn Ngân hàng bằng đất trồng lúa không bị hạn chế. Tuy nhiên, cần lưu ý về các điều kiện để được vay vốn. Điều kiện về quyền sử dụng đất và điều kiện đối với chủ thể, nội dung vay vốn.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi về các vấn đề liên quan đến đất trồng lúa có thế chấp vay vốn được không để bạn đọc tham khảo. Đất trồng lúa có thể dùng để vay vốn khi thoả mãn đầy đủ các điều kiện. Thủ tục vay thực hiện theo quy định pháp luật. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ ngay với Trung Tín theo hotline: 0989 232 568 hoặc email: luattrungtin@gmail.com hoặc truy cập ngay website: https://luattrungtin.com/ để được hỗ trợ nhanh nhất.