Hợp đồng nhà đất không bắt buộc phải công chứng?

Hợp đồng nhà đất không bắt buộc phải công chứng đối với những dạng hợp đồng nào? Khi nào bắt buộc phải công chứng? Nếu không công chứng thì có ảnh hưởng gì không? Bài viết dưới đây của Luật Trung Tín sẽ cung cấp chi tiết các dạng hợp đồng nhà đất không bắt buộc phải công chứng.

Cơ sở pháp lý

Quy định về công chứng hợp đồng nhà đất

Hợp đồng nhà đất không bắt buộc phải công chứng khi nào? Theo khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 quy định: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.”.

Như vậy, việc công chứng nhà đất sẽ có hai loại. Một là thuộc trường hợp phải công chứng. Hai là trường hợp không bắt buộc công chứng nhưng có thể chứng theo yêu cầu. Các dạng hợp đồng cụ thể được quy định ở pháp luật chuyên ngành.

Hợp đồng về quyền sử dụng đất không bắt buộc phải công chứng

Quy định về các quyền của người sử dụng đất

Căn cứ theo Điều 500 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất.”.

Như vậy, liên quan đến đất đai thì có rất nhiều loại hợp đồng khác nhau. Mặt khác, khoản 1 Điều 27 Luật Đất đai 2024 cũng quy định về quyền của người sử dụng đất: “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan.”.

Các loại hợp đồng quyền sử dụng đất không bắt buộc phải công chứng

Căn cứ khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024, hợp đồng thuộc các trường hợp sau đây không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực:

  • Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;
  • Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp;
  • Hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản.

Các loại hợp đồng trên là hợp đồng nhà đất không công chứng bắt buộc. Nhưng có thể công chứng/chứng thực theo yêu cầu của các bên. Việc công chứng/chứng thực góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch. Đồng thời hạn chế tranh chấp, bảo vệ quyền lợi của các bên tốt hơn.

Còn công chứng hợp đồng nhà đất khi nào khi các bên yêu cầu nếu thuộc các hợp đồng trên. Và bắt buộc khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất chẳng hạn. 

Hợp đồng về nhà ở không bắt buộc phải công chứng

Các loại hợp đồng nhà ở

Theo Điều 159 Luật Nhà ở 2023 quy định: “Giao dịch về nhà ở bao gồm mua bán, thuê mua, thuê, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở.”.

Theo đó, đối với nhà ở cũng có nhiều loại giao dịch khác nhau. Cũng gần tương tự như đối với quyền sử dụng đất. 

Hợp đồng nhà ở không bắt buộc phải công chứng

Theo khoản 2 Điều 164 Luật Nhà ở năm 2023, những giao dịch về nhà ở sau đây không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng:

  • Trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết;
  • Mua bán, thuê mua nhà ở thuộc tài sản công; mua bán, thuê mua nhà ở mà một bên là tổ chức, bao gồm:
  • Nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức;
  • Thuê, mượn, ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Đối với giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.

Hợp đồng về kinh doanh bất động không bắt buộc công chứng khi nào?

Công chứng hợp đồng nhà đất cần phải thực hiện khi pháp luật chuyên ngành quy định. 

Theo khoản 5, 6 Điều 44 Luật Kinh doanh bất động sản 2023, hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản mà ít nhất một bên tham gia giao dịch là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên. Tức là loại hợp đồng trên không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

Mặt khác, với các hợp đồng về quyền sử dụng đất hay nhà ở mà một hoặc các bên tham gia là tổ chức kinh doanh bất động sản thì không bắt buộc phải công chứng. Bởi vì họ là pháp nhân và chức năng chính là kinh doanh bất động sản. Đồng thời đã được pháp luật ghi nhận.

Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm bên sau cùng ký vào hợp đồng. Hoặc bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên hợp đồng. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trường hợp hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm văn bản công chứng, chứng thực. Và nó tuân theo theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.

Như vậy, việc nắm rõ trường hợp nào cần công chứng để thực hiện đúng quy định pháp luật. Tránh tình trạng giao dịch vô hiệu vừa mất thời gian vừa tốn công sức đôi bên.

Thẩm quyền công chứng bất động sản

Công chứng bất động sản ở đâu tuỳ thuộc vào loại hình giao dịch người dân yêu cầu. 

Theo Điều 42 Luật Công chứng 2014 quy định: “Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.

Như vậy, với các giao dịch liên quan đến bất động sản thì sẽ theo địa hạt. Ngoại trừ 3 giao dịch là di chúc, văn bản từ chối nhận di sản và văn bản uỷ quyền. 

Thẩm quyền công chứng đất còn phụ thuộc vào mối quan hệ giữa công chứng viên và người yêu cầu công chứng. Điểm c khoản 1 Điều 7 Luật Công chứng 2014 quy định về các mối quan hệ thân thích.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi về hợp đồng nhà đất không bắt buộc phải công chứng để bạn đọc tham khảo. Qua đó hiểu rõ khi nào phải công chứng và khi nào được công chứng theo yêu cầu. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ ngay với Trung Tín theo hotline: 0989 232 568 hoặc email: luattrungtin@gmail.com hoặc truy cập ngay website: https://luattrungtin.com/ để được hỗ trợ nhanh nhất. 

Tư vấn miễn phí