Quyền hưởng thừa kế là một trong những vấn đề có nhiều mâu thuẫn nhất. Đặc biệt khi con cái ra ở riêng đã từng được chia đất. Vậy pháp luật quy định như thế nào? Có phải mọi trường hợp ra ở riêng đều được chia đất? Khi đã được chia đất mà cha mẹ mất có còn được hưởng thừa kế nữa hay không? Tất cả những thắc mắc trên sẽ được Luật Trung Tín giải đáp chi tiết trong nội dung bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Dân sự năm 2015
- Luật Đất đai năm 2024
- Luật Công chứng năm 2014
- Nghị định 23/2015/NĐ-CP
- Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác.
Ra ở riêng có được chia đất không?
Chia đất cho con khi con cái ra ở riêng là câu chuyện quen thuộc ở nước ta. Nhưng có phải lúc nào cũng phải chia đất hay không?
Pháp luật không quy định về việc ra ở riêng thì sẽ được chia đất. Theo đó, việc này phụ thuộc hoàn toàn vào tinh thần tự nguyện của chủ sử dụng đất.
Căn cứ theo Điều 27 Luật Đất đai 2024 thì người sử dụng đất có quyền tặng cho quyền sử dụng đất. Tức là khi con cái ra ở riêng thì bố mẹ có thể tặng cho con một hoặc nhiều thửa đất. Hoặc thậm chí chỉ là một phần trong một thửa đất.
Thửa đất muốn được tặng cho thì phải thoả mãn các điều kiện theo Điều 45 Luật này. Ví dụ: Có Giấy chứng nhận; Đất không có tranh chấp hoặc có tranh chấp nhưng đã được giải quyết; còn trong thời hạn sử dụng; không bị kê biên; không bị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Như vậy, trả lời câu hỏi ra ở riêng có được chia đất hay không phụ thuộc vào ý chí của cha mẹ. Không ai có thể ép buộc cha mẹ phải chia đất khi các con muốn ra ở riêng.
Khi cha mẹ mất có còn quyền hưởng thừa kế khi đã được chia đất?
Theo khoản 1 Điều 27 Luật Đất đai 2024 quy định: “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan.”. Như vậy, giữa tặng cho và thừa kế là hai loại giao dịch dân sự khác nhau. Chúng độc lập với nhau và không phụ thuộc, ảnh hưởng lẫn nhau.
Vì thế, việc con cái được chia đất trước đó không ảnh hưởng đến việc hưởng thừa kế. Tuy nhiên, muốn được hưởng thừa kế cũng phải đáp ứng các điều kiện pháp luật quy định.
Quyền thừa kế
Quyền thừa kế được quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.”.
Theo đó, mỗi người có quyền được pháp luật cho phép hưởng di sản. Việc hưởng di sản này có thể là hưởng theo di chúc hoặc theo pháp luật. Như vậy, con có quyền thừa kế theo một trong hai hình thức đó hoặc hưởng theo cả hình thức.
Thừa kế theo di chúc
Một cá nhân được hưởng thừa kế theo di chúc khi người lập di chúc có chỉ định trong di chúc. Bởi vì theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 thì “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”.
Mặt khác, tại khoản 1 Điều 626 Bộ luật này quy định quyền của người lập di chúc “chỉ định người thừa kế”. Như vậy, di chúc không bắt buộc phải để cho con cái. Theo đó, người lập di chúc có thể chỉ định để lại tài sản của mình cho bất kỳ ai.
Chính vì vậy, nhiều trường hợp con cái không phải là người được hưởng thừa kế theo di chúc.
Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc
Nếu như con không được hưởng di sản theo di chúc thì có thể được hưởng theo Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015. Tại khoản 1 Điều này quy định: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó: a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”.
Như vậy, nếu con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mà không có khả năng lao động. Thì vẫn được hưởng thừa kế theo dạng người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Tức là kể cả di chúc không có chỉ định tên mình.
Theo Điều 21 Bộ luật này thì người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Việc xác định không có khả năng lao động cần có văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Thừa kế theo pháp luật
Quyền hưởng thừa kế theo pháp luật xác định lần lượt theo từng hàng thừa kế. Theo điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 thì “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”.
Quy định xác định như vậy là cần thiết bởi đây là những người có quan hệ gần gũi nhất với người chết. Nó là quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng. Lưu ý là đối với trường hợp cha, mẹ nuôi, con nuôi cần có quyết định công nhận con nuôi.
Như vậy, dù con ra ở riêng nhưng con vẫn thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Do vậy, con vẫn được xác định là người thừa kế theo pháp luật. Vì thế vẫn được hưởng quyền như những đồng thừa kế khác. Trừ khi con làm văn bản từ chối nhận di sản.
Từ những phân tích trên, thấy rằng, việc con ra ở riêng và được chia đất riêng không ảnh hưởng đến quyền thừa kế. Khi mở thừa kế thì người thừa kế có các quyền và nghĩa vụ theo quy định. Không ai có quyền tước đi quyền hưởng thừa kế của người thừa kế khác.
Chia đất cho con bằng miệng có được không?
Tặng đất cho con bằng miệng hay phải ra công chứng? Theo khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 thì chia đất cho con phải ra công chứng hoặc chứng thực.
Tức là phải làm hợp đồng tặng cho đất tại tổ chức hành nghề công chứng. Hoặc chứng thực hợp đồng tại UBND cấp xã nơi có đất.
Nếu bố mẹ chỉ chia đất cho con bằng miệng thì không có giá trị pháp lý. Vì thế, không thể chuyển quyền sử dụng hay nói cách khác không sang tên Sổ đỏ được.
Mà tại khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất….”. Nghĩa là Sổ đỏ chính là giấy tờ cao nhất chứng minh quyền của chủ sử dụng đất.
Do đó, nếu chỉ chia đất cho con bằng miệng thì không có giá trị pháp lý. Con cũng không được phép cầm Sổ đỏ còn đứng tên bố mẹ để tham gia giao dịch khác.
Thủ tục phân chia di sản thừa kế có phức tạp?
Thủ tục phân chia di sản thừa kế không quá khó khăn, phức tạp. Trình tự tuân theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực. Dù công chứng hay chứng thực thì cũng có 3 quy trình rõ ràng:
- Thông báo niêm yết tại UBND xã/phường nơi có đất và nơi đăng ký thường trú cuối cùng của người chết. Trường hợp hai địa chỉ trên cùng phường thì chỉ cần niêm yết ở một nơi. Thời gian niêm yết là 15 ngày. Mục đích là để xác định có khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, có phát sinh thêm người thừa kế… hay không?
- Sau khi niêm yết theo quy định thì tiến hành công chứng/chứng thực văn bản phân chia di sản.
- Khi văn bản này được công chứng/chứng thực thì thực hiện đăng ký biến động sang tên Sổ tại Văn phòng đăng ký đất đai.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi về các vấn đề liên quan đến quyền hưởng thừa kế khi đã được chia đất trước đó để bạn đọc tham khảo. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ ngay với Trung Tín theo hotline: 0989 232 568 hoặc email: luattrungtin@gmail.com hoặc truy cập ngay website: https://luattrungtin.com/ để được hỗ trợ nhanh nhất.