Việt Nam – Lào – Campuchia là ba nước trên bán đảo Đông Dương. Điều đặc biệt là cả ba nước đều có đường biên giới liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành hệ thống giao thông liền mạch. Qua đó giúp phát triển ngành kinh doanh vận tải hành khách hàng hóa ở ba nước nói riêng. Việc cùng nhau đưa ra các quy định pháp lý chung là điều cần thiết giúp cho kinh tế các nước phát triển dựa trên những tiêu chí chung. Đối với lĩnh vực vận tải, các nước đã quy định thủ tục xin – cấp Giấy phép liên vận CLV ( Campuchia – Lào – Việt Nam) dành cho phương tiện hoạt động thương mại hoặc phi thương mại.
Để tạo cơ sở pháp lý điều chỉnh mối quan hệ vận tải giữa ba quốc gia, ba nước đã ký kết các Hiệp định, Nghị định thư song phương, đa phương nhằm tạo hành lang cho các cá nhân, tổ chức thực hiện vận tải thực hiện. Vậy hồ sơ xin cấp giấy phép liên vận Việt Nam Lào Campuchia có những thành phần gì, những nội dung nào cần tìm hiểu và lưu ý? Luật Trung Tín trân trọng gửi tới quý doanh nghiệp và bạn đọc bài viết liên quan đến thủ tục này để có cơ sở thông tin tham khảo.
Mục đích thương mại và mục đích phi thương mại
- Vấn đề này được quy định tại Thông tư số 63/2013/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Bản ghi nhớ giữa chính phủ ba nước Việt Lào Campuchia. Cụ thể là tại khoản 1, 2 Điều 3 của Thông tư 63. Tuy nhiên, các quy định này đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 20/2020/TT-BGTVT nhằm đáp ứng sự phù hợp trong điều kiện mới. Theo đó, tại khoản 1, khoản 2 Điều 1 của Thông tư 20 đã quy định như sau:
Khoản 1 Điều 1 Thông tư 20/2020:
- Phương tiện cơ giới thương mại (sau đây gọi tắt là xe thương mại): là xe ô tô dùng để kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách lưu thông trên đường bộ có giấy đăng ký phương tiện và biển số do cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp.
Khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2020:
- Phương tiện cơ giới phi thương mại (sau đây gọi tắt là xe phi thương mại): là xe ô tô của tổ chức, cá nhân có giấy đăng ký phương tiện và biển số do cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp hoạt động qua lại biên giới giữa các nước Campuchia, Lào và Việt Nam không vì mục đích kinh doanh vận tải, bao gồm:
- Xe công vụ của các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, đoàn thể, các tổ chức sự nghiệp ở trung ương và địa phương, phương tiện của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam. Xe ô tô của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước và quốc tế đi công tác, tham quan, du lịch;
- Xe cứu hỏa, xe cứu thương, xe cứu hộ, xe thực hiện sứ mệnh nhân đạo;
- Xe ô tô chở người (dưới 09 chỗ) hoặc xe bán tải (pick up) thuộc quyền sở hữu của cá nhân đi với mục đích cá nhân;
- Xe ô tô, xe ô tô đầu kéo, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô và xe máy chuyên dùng thuộc quyền sử dụng của các doanh nghiệp, hợp tác xã vận chuyển phục vụ các công trình, dự án hoặc chương trình công tác của đơn vị mình trên lãnh thổ Campuchia, Lào.
Hồ sơ cấp Giấy phép liên vận CLV
Hồ sơ xin cấp Giấy phép liên vận CLV đối với xe thương mại:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép liên vận CLV theo mẫu.
- Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanhđối với đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Doanh nghiệp cung cấp bản sao có chứng thực hoặc bản photo kèm bản chính để thực hiện đối chiếu.
- Giấy đăng ký phương tiện, doanh nghiệp cung cấp bản sao có chứng thực hoặc bản photo kèm bản chính để thực hiện đối chiếu.
- Giấy tờ, văn bản chấp thuận khai thác tuyến (đối với phương tiện đăng ký kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định).
- Trường hợp phương tiện không thuộc sở hữu của doanh nghiệp kinh doanh vận tải thì phải xuất trình thêm giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp của đơn vị kinh doanh vận tải với phương tiện đó, doanh nghiệp cung cấp bản sao có chứng thực hoặc bản photo kèm bản chính để thực hiện đối chiếu.
Hồ sơ xin cấp Giấy phép liên vận CLV đối với xe phi thương mại:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép liên vận CLV cho phương tiện phi thương mại theo mẫu.
- Giấy đăng ký phương tiện, doanh nghiệp cung cấp bản sao có chứng thực hoặc bản photo kèm bản chính để thực hiện đối chiếu.Trường hợp phương tiện không thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân thực hiện vận tải thì phải gửi kèm theo tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, các nhân đối với phương tiện đó, doanh nghiệp cung cấp bản sao có chứng thực hoặc bản photo kèm bản chính để thực hiện đối chiếu.
- Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện công trình, dự án hoặc hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Lào hoặc Campuchia thì kèm theo Hợp đồng hoặc tài liệu chứng minh đơn vị đang thực hiện công trình, dự án hoặc hoạt động kinh doanh, trên lãnh thổ Lào, Campuchia, doanh nghiệp cung cấp bản sao có chứng thực hoặc bản photo kèm bản chính để thực hiện đối chiếu.