Thủ tục công bố thực phẩm chức năng nhập khẩu:
Về cơ bản, hồ sơ công bố thực phẩm chức năng gồm các giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận lưu hành tự do: ( Certificate of free sale – CFS) của sản phẩm/các sản phẩm. Đây được xem là một giấy tờ quan trọng, mang yếu tố quyết định để cho một, một số hoặc nhiều sản phẩm được nhập về Việt Nam. Để đảm bảo CFS được hợp lệ thì phải đảm bảo hai yếu tố: Do cơ quan nhà nước có “ thẩm quyền” cấp và phải có nội dung là sản phẩm đó được “bán tự do” tại nước sở tại. CFS phải được hợp pháp hóa lãnh sự để thể hiện sự trung thực của giấy tờ.
- Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm: Có hai cách để thực hiện công việc này. Một là sử dụng kết quả kiểm nghiệm của sản phẩm đã được cấp ở nước sở tại, tuy nhiên, để được công nhận, kết quả phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc do phòng kiểm nghiệm độc lập có chứng chỉ ISO 17025 trở lên kiểm nghiệm và chứng nhận. Hai là, sản phẩm được nhập hàng mẫu về và kiểm nghiệm tại Việt Nam.
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) hoặc chứng nhận tương đương trong trường hợp sản phẩm nhập khẩu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2019
- Ngoài ra, trong hồ sơ công bố thực phẩm chức năng còn có một số loại giấy tờ khác như: Bản thông tin chi tiết sản phẩm, Nhãn chính, Nhãn phụ sản phẩm, Cơ chế tác dụng tạo nên công dụng của sản phẩm…
Thủ tục công bố thực phẩm chức năng sản xuất trong nước
- Hồ sơ công bố thực phẩm chức năng sản xuất trong nước thì không cần phải có CFS như phần công bố thực phẩm chức năng nhập khẩu. Tuy nhiên, để đảm bảo tính an toàn, phù hợp với người tiêu dùng thì việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm thì doanh nghiệp cũng phải đáp ứng các điều kiện bắt buộc mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và quy định trong luật.
- Về mặt hồ sơ công bố thực phẩm sản xuất trong nước cần phải đáp ứng các yêu cầu về giấy tờ, cụ thể như sau:
- Bản công bố sản phẩm được quy định theo mẫu
- Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ. Phiếu kết quả phả được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025
- Bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố. Khi sử dụng bằng chứng khoa học về công dụng thành phần của sản phẩm để làm công dụng cho sản phẩm thì liều sử dụng hàng ngày của sản phẩm tối thiểu phải lớn hơn hoặc bằng 15% lượng sử dụng thành phần đó đã nêu trong tài liệu
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP)
- Trong hồ sơ công bố thực phẩm còn có một số loại giấy tờ khác như:
- Bản đăng ký sản phẩm
- Bản thông tin chi tiết sản phẩm
- Đăng ký doanh nghiệp đứng tên công bố
Lưu ý: Các tài liệu trong hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm phải được thể hiện bằng tiếng Việt; trường hợp có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt và được công chứng. Tài liệu phải còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết và cấp số tiếp nhận hồ sơ
- Theo luật thì doanh nghiệp có thể nộp bằng ba phương thức khác nhau: Nộp trực tiếp, nộp qua đường bưu điện và nộp qua mạng. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất, công bằng, khách quan và tiện lợi cho tất cả mọi doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp được khuyến khích nộp qua mạng. Theo đó, thời gian tiếp nhận, xử lý, cấp số công bố hoặc sửa đổi, bổ sung sẽ tiến hành như sau:
- Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.
- Trong trường hợp không đồng ý với hồ sơ công bố sản phẩm của tổ chức, cá nhân hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung 01 lần ( Yêu cầu sửa đổi, bổ sung 01 lần có nghĩa là đối với trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu thì chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung 01 lần cho trường hợp ấy, nếu doanh nghiệp đáp ứng rồi thì coi như là xong).
- Trường hợp sản phẩm có sự thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo thì doanh nghiệp phải tổ chức công bố lại sản phẩm đó.
- Cục An toàn thực phẩm có trách nhiệm thông báo công khai tên, sản phẩm của tổ chức, cá nhân đã được tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trên trang thông tin điện tử (website) của mình và cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.
- Phí thẩm định đối với 01 bộ hồ sơ công bố cố định là: 1.500.000 đồng/sản phẩm. Trường hợp do có lỗi mà lỗi đó xuất phát từ sản phẩm ( không đảm bảo an toàn) hoặc vì lý do từ phía doanh nghiệp dẫn tới việc sản phẩm không được cấp số thì sẽ không được hoàn trả số tiền đã nộp thẩm định.
Quý doanh nghiệp có thể tham khảo tại Hệ thống tiếp nhận hồ sơ trực tuyến Cục An toàn thực phẩm.
Quy trình thực hiện theo quy định của pháp luật
Để có cơ sở theo dõi tiến trình xử lý hồ sơ, kính mời Quý doanh nghiệp tham khảo nội dung được ghi rõ trong hình ảnh dưới đây:
Lưu ý: Theo quy định mới, việc đăng ký lưu hành các sản phẩm thực phẩm bổ sung ( sữa bột, sữa dinh dưỡng công thức…) dành cho trẻ từ 0 đến 36 tháng tuổi sẽ do cơ quan y tế các sở, thành phố trực thuộc trung ương tiếp nhận và cấp số công bố ( Trước đây thẩm quyền thuộc Cục An toàn thực phẩm).
Hãy liên hệ với Luật Trung Tín để được tư vấn cụ thể:
Phone: 0989 232 568 – Email: luattrungtin@gmail.com
Xem thêm: Công bố thực phẩm bổ sung danh cho trẻ đến 36 tháng tuổi