Điều tra viên gây khó cho Luật sư có còn tồn tại trong thời đại mới

Ngày 10/10/2019 vừa qua, Bộ Công an đã ban hành thông tư số: 46/2019/TT-BCA hướng dẫn và quy định về trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của BLTTHS 2015 liên quan đến bảo đảm quyền của người bào chữa,người bị buộc tội và người bảo vệ đương sự trong vụ án hình sự.
Trước hết, xin trân trọng ghi nhận sự phối hợp tích cực của Bộ Công an mà trực tiếp là Cục pháp chế và cải cách hành chính (cá nhân GS.TS, Trung tướng, Cục trưởng: Nguyễn Ngọc Anh) đã nỗ lực để phối hợp với Thường vụ Liên Đoàn luật sư Việt Nam, trao đổi, thảo luận ban hành thông tư nói trên.

Điều 2 BLTTHS 2015 quy định về nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự: Bộ luật tố tụng hình sự có nhiệm vụ bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Điều 9 BLTTHS 2015 quy định về bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật: Tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật.

Đối với cá nhân tôi, tôi đã viết và gửi nhiều văn bản kiến nghị, mang tính đóng góp và xây dựng trước thực trạng vi phạm quyền hành nghề của luật sư bào chữa. Cách đây hơn 1 năm (tháng 9/2018) tôi đã viết văn bản gửi đến Thường vụ Liên Đoàn luật sư Việt Nam để phản ánh và đề nghị về thông tư 01/2018/BCA vì những nội dung vô lý cản trở hoạt động hành nghề.

Thông tư 46/2019-TT-BCA được ban hành, đọc nội dung tôi chưa hề thấy vui mừng như nhiều đồng nghiệp ls đã nói, đã đăng trên fb và các trang mạng, bởi vì có nhiều lý do:

  1. Việc gây khó khăn cho hoạt động của luật sư tham gia trong các vụ án hình sự của lực lượng điều tra đã trở thành thói quen, từ những quan điểm xin cho trong cơ sở lý luận và thực tiễn của hệ thống pháp luật tố tụng hình sự cũ, đã trở thành thói quen và lối mòn trong tư duy và hành động của CQĐT và các ĐTV. Rất nhiều ĐTV không biết hoặc cố tình không biết các nội dung và nguyên tắc cơ bản trong pháp luật TTHS mới. Sau Bản Hiến pháp 2013, các mục tiêu, chính sách và nhiệm vụ của pháp luật hình sự đã có những thay đổi rất lớn. Ngoài những mục tiêu chính sách là bảo vệ an ninh quốc phòng, an ninh trật tự xã hội thì mục tiêu nhiệm vụ bảo vệ công lý và quyền con người là những mục tiêu được nhắc, được nói và được cụ thể hóa chính là Quyền bào chữa, quyền được bào chữa là những quyền của con người, nhưng việc hiểu về các quyền này và thể chế hóa, đưa vào cuộc sống còn vô cùng khó khăn, bởi vì cách thức đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền pháp luật cho chính các cơ quan, người làm công tác bảo vệ pháp luật có thể nói còn hạn chế. Trách nhiệm áp dụng pháp luật của CQĐT và ĐTV còn máy móc, rập khuôn và tuỳ tiện, không tuân thủ tuyệt đối cơ sở lý luận của pháp luật và tư pháp hình sự.
  2. Điều tôi mong muốn nhất trong thông tư số 46/2019TT- BCA đã không có, đó là chế tài đối với các vi phạm về các quyền của người bào chữa cũng như quyền của người bị buộc tội đối với các ĐTV và cơ quan điều tra. Việc vi phạm quyền hành nghề của chúng tôi cứ diễn ra hằng ngày, những vi phạm dù to hay nhỏ do nhiều nguyên nhân nên vẫn diễn ra bình thường. Phần nào cũng do chính các luật sư do trình độ nhận thức nghề hoặc do bản lĩnh nghề hoặc do nhiều lý do nên không khiếu nại, hoặc có các biện pháp kịp thời, để qua đó có những tác động tích cực làm thay đổi nhận thức về quyền hành nghề của luật sư và người bào chữa, người tham gia tố tụng.
  3. Trong nội dung thông tư 46/2019/TT-BCA còn rất nhiều những “khoảng trống” mà cơ quan điều tra, ĐTV có thể làm căn cứ gây khó khăn. Ví dụ: Việc luật sư, người bào chữa gặp người bị buộc tội trong trại tạm giam vẫn phải có người tiến hành tố tụng (ĐTV, KSV) giám sát thông qua thông báo của trại tạm giam là sự vô lý, vô lý hơn khi trại tạm giam cách xa cơ quan điều tra hoặc CQĐT lấy nhiều lý do như: không có người giám sát…vv thì chắc chắn buổi đến gặp người bị buộc tôi (thân chủ) của luật sư không thể thực hiện được gây khó khăn, lãng phí và tốn kém cho luật sư. Thông tư hoàn toàn không quy định về thời gian nhận thông báo, thời gian có mặt của ĐTV… Hoặc như yêu cầu phải có giấy tờ chứng minh người thân thích của người bị buộc tội, đây là sự vô lý, bởi vì chính người bị buộc tội sẽ xác nhận sự liên quan trông giấy mời luật sư của thân thích, quyền cao nhất về mời hay không mời luật sư là của người bị buộc tội, chứ không phải của người thân thích nên việc yêu cầu phải chứng minh bằng giấy tờ là vô lý và thêm thủ tục gấy khó khăn cho hoạt động tiếp nhận và đăng ký bào chữa.

MỘT SỐ QUAN ĐIỂM HOÀN THIỆN

  1. Cần bổ sung chế tài đối với các CQĐT, ĐTV khi vi phạm và gấy khó khăn, cản trở hoạt động bào chữa của luật sư. Thủ trưởng CQĐT có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyêt kịp thời các kiến nghị, khiếu nại trực tiếp của luật sư khi tham gia vào vụ án hình sự đang thụ lý. Viện kiểm sát cùng cấp đang tiến hành tố tụng vụ án có trách nhiệm phát huy vai trò trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của CQĐT và ĐTV.
  2. Bộ công an và VKSNDTC cần có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn cho thủ trưởng, phó thủ trưởng CQĐT, các ĐTV để nâng cao nhận thức về quyền của người bào chữa và trách nhiệm của mình khi tiến hành tố tụng, qua đó nâng cao nhận thức trách nhiệm và đạo đức công vụ.
  3. BLTTHS 2015 điểm a, khoản 2 quy định về người bào chữa: Luật sư, trợ viên pháp lý, Người đại diện hợp pháp của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân. Nhưng chắc chắn chỉ có vai trò luật sư xét cả về tiêu chuẩn và điều kiện để có thể tập hợp đại diện cho vai trò người bào chữa, thu nhận những phản ánh thực tế trong quá trình hành nghề, những khó khăn, vướng mắc và những hành vi vi phạm quyền hành nghề của một số các CQĐT, ĐTV để từ đó kịp thời có những quan điểm bảo vệ quyền của người bào chữa, đóng góp cho các cơ quan tư pháp trung ương có quan điểm chỉ đạo uốn nắn.
  4. Liên đoàn luật sư Việt Nam, các Đoàn luật sư cần có các chương trình lồng ghép vào hoạt động bồi dưỡng hoặc như thành lập ra Câu lạc bộ luật sư tranh tụng để qua đó nâng cao kỹ năng, trình độ cho các luật sư hành nghề tranh tụng hình sự hoàn toàn có đủ khả năng, bản lĩnh và trình độ nhận thức để hành nghề.
  5. Các luật sư, người bào chữa luôn phải có nhận thức đúng đắn, ngoài trách nhiệm, chức năng bào chữa bảo vệ cho khách hàng chúng ta còn có trách nhiệm đóng góp và bảo vệ pháp chế XHCN, đóng góp cho sự hoàn thiện pháp luật trong mọi lĩnh vực của đòi sống xã hội (Điều 3 Luật luật sư 2012).

Trích theo Luật sư Hoàng Văn Hướng!

Tư vấn miễn phí