Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là gì, tìm hiểu cùng Trung Tín Law

Từ xưa đến nay, đất đai luôn là tài sản vô cùng quý giá. Hầu hết người dân Việt Nam đều có tư duy muốn sở hữu cho mình ít nhất một căn nhà hay một mảnh đất cho riêng mình. Căn cứ để xác định cá nhân, hộ gia đình sở hữu đất thể hiện thông qua Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên hiện nay nhiều người vẫn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của loại giấy tờ trên. Ở bài viết này, Luật Trung Tín sẽ cho người đọc hiểu hơn về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là gì và vai trò của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Có thể bạn quan tâm: Bỏ khung giá đất – Những điểm mới về đất đai khi bỏ khung giá đất

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là gì?

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam ở mỗi giai đoạn lại có một tên gọi và tính chất pháp lý khác nhau. Hiện nay, khái niệm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định cụ thể tại Luật Đất Đai 2013 với tên gọi đầy đủ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy tờ này là chứng thư pháp lý do Nhà nước nhằm xác nhận và xác lập quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Trên thực tế, người dân thường dựa vào màu sắc để gọi loại giấy tờ này với tên quen thuộc là Sổ đỏ, Bìa đỏ hay Sổ hồng.

 

Đặc điểm của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Về màu sắc của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Giấy tờ nhà đất có 5 loại màu cơ bản là: Sổ xanh, sổ trắng, sổ đỏ, sổ hồng. Mỗi loại màu sổ sẽ có giá trị khác nhau. Tuy nhiên hiện nay ta ít khi thấy sổ xanh và sổ trắng mà thường thấy sổ đỏ, sổ hồng. Đây là hai loại sổ phổ biến và được sử dụng thường xuyên. Từ ngày 10/12/2009, cơ quan nhà nước ban hành mẫu Giấy chứng nhận áp dụng chung trên phạm vi cả nước có bìa màu hồng.

Về cấu tạo của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 01 tờ giấy có 4 trang, kích thước mỗi trang là 190mm x 265mm. Giấy chứng nhận thể hiện các nội dung cơ bản như:

  • Tên của người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất;
  • Các thông tin về thửa đất như: Số tờ, số thửa, diện tích, vị trí, hình thức sử dụng, mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng, và các ghi chú;
  • Bản vẽ lô đất và tài sản gắn liền với đất;
  • Những thông tin biến động về tài sản: chuyển nhượng, cho tặng, cầm cố, nợ thuế…
  • Những thông tin thay đổi khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vai trò của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là gì

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có vai trò khẳng định chủ quyền của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Giấy chứng nhận là căn cứ pháp để xác định ai là người có quyền trên đất. Khi được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, người sử dụng đất được thực hiện tất cá các quyền theo quy định của luật mà không ai có quyền ngăn cản, cấm đoán hay tranh giành quyền sử dụng đất đó.
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là căn cứ để chủ sở hữu thực hiện những quyền của mình liên quan đến đất. Người sử dụng đất có các quyền cơ bản như: Quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với mảnh đất của mình. Đối với quyền sở hữu và quyền sử dụng, người sử dụng đất có thể không cần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng đối với quyền định đoạt – có nghĩa là người sử dụng đất muốn mua bán, tặng cho, thế chấp, góp vốn, thừa kế,.. thì điều kiện tiên quyết và bắt buộc là phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp đất đai. Như đã nói ở trên, trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm rất nhiều thông tin của thửa đất như thông tin về chủ sở hữu, thông tin về thửa đất: Vị trí, diện tích, giáp ranh, tọa độ,… Vì vậy, nếu có phát sinh tranh chấp về quyền sử dụng đất, những thông tin trên giấy chứng nhận chính là cơ sở để người sử dụng đất bảo vệ quyền lợi cho mình.
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn đóng vai trò quan trọng để Nhà nước quản lý đất đai trên toàn bộ lãnh thổ, theo dõi biến động, kiểm soát được việc giao dịch trên thị trường và việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất.

Trường hợp nào được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Những trường hợp được nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định tại Luật Đất Đai 2013 bao gồm:

  • Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất, giao đất sau ngày Luật Đất Đai 2013 có hiệu lực thi hành. Trừ trường hợp thuê đất nông nghiệp của địa phương;
  • Trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày Luật Đất Đai 2013 có hiệu lực thi hành mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
  • Các trường hợp được nhận chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, quyền sử dụng đất;
  • Các trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất;
  • Các trường hợp nhận mua nhà ở, tài sản gắn liền với đất;
  • Trường hợp sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành;
  • Trường hợp được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
  • Trường hợp tách thửa, hợp thửa đất theo quy định;
  • Trường hợp người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tư vấn miễn phí