1. Khái niệm về cạnh tranh không lành mạnh:
Một trong những nỗi sợ hãi to lớn nhất của các doanh nghiệp đó là đối mặt với hoạt động cạnh tranh không lành mạnh diễn ra hàng ngày ở mọi bình diện kinh tế xã hội.
Điều đáng nói nhất ở đây, chính là sự thờ ơ và xem thường pháp luật của những người có hành vi vi phạm. Nhất là khi đang còn thiếu nhất quán ở chế tài xử phạt, cách thức để áp dụng chế tài hay khả năng nhận diện hành vi đó…Về mặt lý thuyết, hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp. Gây mất cân bằng trong hoạt động kinh doanh, làm giảm chất lượng sản phẩm, hủy hoại năng lực hoạt động của các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh.
Trên thực tế, nó đâm thẳng vào sự ổn định tài chính của doanh nghiệp, xâm phạm trực tiếp quyền sở hữu trí tuệ, gây mất bình ổn về giá…Từ đó khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, đối diện trước ngưỡng cửa phá sản. Hay nói theo cách khác, cạnh tranh không lành mạnh là rào cản của sự phát triển.
Để hiểu hơn về hành vi này, Luật Cạnh tranh đã khái niệm cạnh tranh không lành mạnh như sau:
“ Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác”.
2. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh:
– Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây: Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
– Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó;
– Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp.Gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó;
– Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó;
– Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây: So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung;
– Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.…
Và theo luật, các hành vi trên đều bị cấm.
3. Quy định mới về xử phạt hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh:
Mới đây, Chính Phủ đã thông qua Nghị định số 75/2019/NĐ – CP ngày 26/9/2019. Theo đó, bắt đầu từ ngày 01/12/2019 ( Khi Nghị định số 75/2019 có hiệu lực) mức phạt này sẽ tăng lên gấp 10 lần so với trước đây. Cụ thể, mức phạt tiền tối đa lên đến 02 tỷ đồng nếu vi phạm các quy định về cạnh tranh không lành mạnh. Trong đó:
a. Phạt tiền từ 200 – 300 triệu đồng: Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh;
b. Mức phạt cao nhất là 150 triệu đồng: Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác;
c. Mức phạt cao nhất là 200 triệu đồng: Lôi kéo khách hàng bất chính;
d. Mức phạt cao nhất là 300 triệu đồng: Ép buộc trong kinh doanh; Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác;
e. Mức phạt cao nhất là 01 tỷ đồng: Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ.
f. Đặc biệt: Các hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác, lôi kéo khách hàng bất chính, ép buộc trong kinh doanh. Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác và bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành. Nếu vi phạm trên phạm vi từ 02 tỉnh trở lên thì phạt gấp đôi…
Đây được xem như lời cảnh tỉnh mang sức răn đe mạnh mẽ điều chỉnh trực tiếp mối quan hệ trong hoạt động kinh doanh của mọi cá nhân, tổ chức, các thành phần kinh tế trong nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Hy vọng rằng, các chủ thể sẽ nhận thức được hành vi của mình, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Xêm thêm: