Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu và thống nhất quản lý trên phạm vi toàn quốc. Như vậy có thể thấy rằng, vai trò của Nhà nước là đặc biệt quan trọng khi đứng ở vị trí là trung tâm. Mang yếu tố quyết định trong việc xác định sự phát triển đất đai trong tương lai. Do đó, quyền của nhà nước đối với đất đai cần phải được ghi nhận trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm: Giải đáp về thuế nhà đất theo quy định của pháp luật hiện hành
Theo đó, Luật Đất đai dành riêng một Mục để cụ thể hóa các điều, khoản và các nội dung quan trọng khác liên quan đến Quyền của nhà nước đối với đất đai. Luật Trung Tín trân trọng gửi tới Quý bạn đọc nội dung này bằng các phần riêng. Hy vọng sẽ góp phần giúp Quý bạn đọc nắm rõ hơn theo từng phần, từ đó tạo nên hệ thống thông tin cần thiết và hữu ích nhất.
Quyền của đại diện chủ sở hữu về đất đai, bao gồm:
- Có quyền quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất
- Có quyền quyết định mục đích sử dụng đất
- Có quyền quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất
- Có quyền quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất
- Có quyền quyết định giá đất
- Có quyền quyết định trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất
- Có quyền quyết định chính sách tài chính về đất đai
- Có quyền quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Nhà nước có quyền quyết định mục đích sử dụng đất
- Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất thông qua:
- Quyền quy hoạch sử dụng đất
- Quyền xây dựng và ban hành kế hoạch sử dụng đất
- Thực hiện việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Nhà nước có quyền quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất
Nhà nước quy định hạn mức ( là một con số cụ thể) sử dụng đất gồm:
- Đặt hạn mức giao đất nông nghiệp;
- Đặt hạn mức giao đất ở;
- Đặt hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở;
- Đặt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Nhà nước có quyền quy định thời hạn sử dụng đất qua hai hình thức:
- Hình thức sử dụng đất ổn định lâu dài;
- Hình thức sử dụng đất có thời hạn.
Nhà nước có quyền ra quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất
- Nhà nước có quyền ra quyết định thu hồi đất ở một số trường hợp sau:
- Có quyền thu hồi đất vì mục đích quốc phòng – an ninh quốc gia; mục đích phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia và xã hội;
- Có quyền thu hồi đất do cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức vi phạm pháp luật về đất đai;
- Có quyền thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, kể cả trường hợp tự nguyện trả lại đất, hoặc có nguy cơ đe dọa tính mạng con người;
- Nhà nước quyết định trưng dụng đất trong trường hợp thật (đặc biệt) cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trưng dụng đất trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
Nhà nước thực hiện trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất
Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo các hình thức như sau:
- Có quyền quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất;
- Có quyền giao đất có thu tiền sử dụng đất;
- Có quyền quyết định cho thuê đất thu tiền thuê đất theo từng năm;
- Có quyền cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
- Có quyền công nhận quyền sử dụng đất.
Nhà nước có quyền quyết định giá đất
- Nhà nước đưa ra các quy định về nguyên tắc và phương pháp định giá đất.
- Nhà nước ban hành các khung giá đất, các bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể. Thông thường nội dung này sẽ được quy định rõ ràng ở các văn bản dưới luật, được áp dụng ở trên quy mô toàn quốc và/hoặc tại các địa phương cụ thể dựa trên các yếu tố địa lý vùng, khu vực.
Nhà nước có quyền quyết định các chính sách tài chính về đất đai
- Nhà nước có quyền quyết định chính sách thu, chi tài chính đối với đất đai.
- Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất đai mà không phải do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua các chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ cho người có đất thu hồi.
Nhà nước thực hiện quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất
- Nhà nước thực hiện quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất nhằm đảm bảo sự phù hợp với các hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nguồn gốc sử dụng đất và vấn đề về nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
Có quyền thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai
- Quốc hội có thẩm quyền ban hành luật, nghị quyết về đất đai; thực hiện quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; có quyền thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi toàn quốc.
- Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương của mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền cấp trên phê duyệt; thông qua bảng giá đất, việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật này; thực hiện việc giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương.
- Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định tại Luật đất đai.