Rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động

Một trong những nội dung mà doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động đặc biệt quan tâm. Đó là khi nào và trong những trường hợp nào thì thực hiện được việc rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Một trong những điều kiện quan trọng để được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động là phải ký quỹ một khoản tiền đã được ấn định. Vậy trong trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện (vì một lý do nào đó) được cấp phép thì việc trả lại khoản tiền ký quỹ đó sẽ được hoàn trả theo phương thức nào?

Có thể bạn quan tâm: Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, trình tự thủ tục cấp phép

Vấn đề tài chính của doanh nghiệp mang tính cốt lõi nên được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Do vậy, quy định của pháp luật được xem là cơ sở vững chắc để doanh nghiệp tìm hiểu rất kỹ trước khi xác định bỏ vốn đầu tư. Luật Trung Tín thông hiểu điều này nên mong muốn gửi tới doanh nghiệp bài viết liên quan đến nội dung rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Hy vọng chúng tôi sẽ cung cấp được những thông tin cần thiết hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt nhanh và kịp thời.

1. Xác định thẩm quyền cho phép rút tiền ký quỹ

Thẩm quyền thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW. Tuy nhiên, chỉ có một số trường hợp được phép rút tiền ký quỹ, cụ thể như sau:

  • Doanh nghiệp cho thuê lại lao động gặp khó khăn tạm thời, dẫn đến việc không đủ khả năng thanh toán tiền lương, tiền trợ cấp, các loại tiền bảo hiểm, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động thuê lại theo quy định của pháp luật sau thời hạn tối đa là 30 ngày, tính từ ngày đến thời hạn thanh toán.
  • Doanh nghiệp cho thuê lại lao động gặp khó khăn tạm thời, không đủ khả năng thực hiện trách nhiệm bồi thường cho người lao động thuê lại trong một số trường hợp như:
    • Doanh nghiệp cho thuê lại vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại
    • Doanh nghiệp cho thuê lại gây thiệt hại cho người lao động do không bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại sau thời hạn 60 ngày, tính từ ngày đến thời hạn bồi thường.
  • Doanh nghiệp cho thuê lại lao động không được cấp giấy phép.
  • Doanh nghiệp cho thuê lại lao động bị thu hồi giấy phép hoặc không gia hạn, không được gia hạn, cấp lại giấy phép.
  • Doanh nghiệp cho thuê lao động đã thực hiện ký quỹ tại một ngân hàng thương mại khác.
rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp

Việc rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp phải được thực hiện theo quy trình nhất định.

2. Hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp là Sở Lao động – thương binh và xã hội. Cơ quan này là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, và là cơ quan thẩm định hồ sơ trước khi trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Theo đó, hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ sẽ bao gồm các loại giấy tờ sau:

  • Văn bản đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật ký.
  • Văn bản nêu rõ phương án sử dụng số tiền rút từ tài khoản ký quỹ với các nội dung:
    • Doanh nghiệp nêu rõ lý do và mục đích rút tiền ký quỹ.
    • Lập danh sách, số lượng người lao động.
    • Tổng số tiền, thời gian thanh toán và phương thức thanh toán đối với các trường hợp rút tiền ký quỹ quy định tại các điểm a và điểm b Mục 1 đã được nêu trên.
  • Báo cáo việc hoàn thành nghĩa vụ và xuất trình văn bản chứng minh việc hoàn thành nghĩa vụ đối với người lao động thuê lại trong trường hợp rút tiền ký quỹ quy định tại điểm d Mục 1 đã được nêu trên.
  • Giấy chứng nhận tiền ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động đã đăng ký tại ngân hàng thương mại khác đối với trường hợp rút tiền ký quỹ quy định tại điểm đ Khoản 1 Mục 1 đã được nêu trên.

3. Hồ sơ rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê gửi ngân hàng nhận ký quỹ

Sau khi đã hoàn thiện thủ tục đề nghị rút tiền ký quỹ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Doanh nghiệp cho thuê sẽ thực hiện bước tiếp theo. Đó là làm việc với ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ. Thành phần hồ sơ cần chuẩn bị như sau:

  • Văn bản đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật ký.
  • Văn bản chấp thuận (cho phép) rút tiền ký quỹ của Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo theo mẫu quy định.
  • Tài liệu chứng từ rút tiền ký quỹ theo quy định của ngân hàng nhận ký quỹ (nếu có).

Lưu ý: Trong trường hợp rút tiền ký quỹ theo quy định tại các điểm a và điểm b đã được nêu tại Mục 1. Theo đó, việc thanh toán bồi thường cho người lao động do ngân hàng nhận ký quỹ trực tiếp chi trả theo phương án đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận sau khi trừ chi phí dịch vụ ngân hàng.

4. Quy trình rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp

  • Doanh nghiệp cho thuê nộp 01 (một) bộ hồ sơ quy định lên cơ quan có thẩm quyền giải quyết nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
  • Cơ quan có thẩm quyền thực hiện tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và cấp giấy biên nhận phải ghi rõ ngày, tháng, năm nhận đủ hồ sơ đã được quy định. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Cơ quan này thực hiện kiểm tra việc hoàn thành nghĩa vụ đối với người lao động thuê lại của doanh nghiệp cho thuê. Sau đó trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh cho phép doanh nghiệp rút tiền ký quỹ.
  • Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ. Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ lập văn bản chấp thuận rút tiền ký quỹ. Đồng thời nêu phương án sử dụng tiền ký quỹ (nếu có) gửi doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ.
  • Khi đã có văn bản chấp thuận rút tiền ký quỹ của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động nộp hồ sơ này ngân hàng nhận ký quỹ.
  • Ngân hàng nhận ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ rút tiền ký quỹ. Nếu hợp pháp và hợp lệ, ngân hàng nhận ký quỹ cho doanh nghiệp được phép thực hiện rút tiền ký quỹ.

Tư vấn miễn phí